Đôi khi, trong các chu kỳ của thị trường, thị trường chứng khoán có thể lao dốc và giá cổ phiếu có thể giảm. Điều này có thể diễn ra trong một thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng, hoặc thậm chí có thể kéo dài vài năm. Vậy đó có phải là một thị trường gấu không?
Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, điều này có thể đúng. Vậy chính xác thì thị trường gấu là gì?
Hãy đọc tiếp bài viết này để biết thêm về thị trường gấu, viễn cảnh và các giai đoạn của nó. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu một số thị trường gấu xảy ra gần đây và tác động của chúng, cũng như những gì chúng ta có thể làm khi thị trường đi xuống.
Thị trường gấu là gì?
Một thị trường gấu được định nghĩa là khi thị trường trải qua một xu hướng giảm giá liên tục hoặc kéo dài. Trong một thị trường gấu, giá của cổ phiếu, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quỹ chỉ số có thể giảm tới hơn 20% từ những mức đỉnh gần nhất do tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư đối với thị trường [1].
Một cách để dự đoán sự đi xuống của thị trường là quan sát chỉ số như S&P 500 – gồm 500 công ty lớn nhất niêm yết trên các sàn chứng khoán Hoa Kỳ, và để ý những dấu hiệu giảm giá kéo dài. Khi các loại chứng khoán khác như cổ phiếu, ETF và hàng hóa cũng ghi nhận mức giảm khoảng 20% từ những mức đỉnh gần nhất trong vòng hơn hai tháng, đó cũng có thể là dấu hiệu của một thị trường giá xuống.
Thị trường giá xuống có thể phản ánh những cuộc suy thoái thị trường hoặc những thời kỳ suy thoái kinh tế khốc liệt khác.
Các loại thị trường gấu
Về cơ bản, có hai loại thị trường gấu: theo chu kỳ và kéo dài [2].
Thị trường gấu theo chu kỳ xảy ra do sự lên xuống thông thường trong một nền kinh tế. Những thị trường gấu định kỳ này thưởng xảy ra mỗi 6 đến 10 năm như một sự tái điều chỉnh cho những giai đoạn phát triển kéo dài của thị trường khi các lĩnh vực kinh tế chính đều đạt được tăng trưởng lớn.
Mặt khác, thị trường gấu kéo dài là kết quả của chính sách tài chính, tăng trưởng kinh tế chậm, vỡ bong bóng thị trường, chiến tranh và dịch bệnh. Xu hướng thị trường kéo dài thường sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ e dè khi đầu tư với số lượng lớn.
Trái phiếu và tín phiếu lãi suất cao thường gây ra thị trường gấu kéo dài vì mang lại động lực lớn khiến nhà đầu tư chuyển sang tận dụng những công cụ với rủi ro bằng không này. Điều này làm giảm nhu cầu đối với các tài sản trong thị trường chứng khoán, tạo ra một thị trường gấu.
Hãy cùng tìm hiểu một vài đặc điểm thường thấy của các thị trường gấu.
Đặc điểm của thị trường gấu
Vậy đâu là những dấu hiệu để nhận biết một thị trường gấu?
#1 Khoảng thời gian đi xuống
Thị trường gấu luôn diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối dài, không giống những lúc giảm giá nhất thời trên thị trường chứng khoán.
#2 Thị trường chứng khoán kém khả quan
Một quy tắc chung để nhận ra một thị trường gấu là khi thị trường chứng khoán trải qua một xu hưởng giảm giá liên tục khoảng hơn 20% ở tất cả các ngành.
#3 Gia tăng tâm lý ngại rủi ro
Khi thị trường chứng khoán bắt đầu xu hướng đi xuống, phần lớn các nhà đầu tư dịch chuyển tiền của mình vào những công cụ an toàn và trở nên ngại rủi ro. Một số nhà đầu tư có thể bán tài sản của mình, chờ đợi một thời điểm khác phù hợp hơn để gia nhập thị trường khi cơn bão đã lắng xuống, hoặc tạm đầu tư vào những công cụ tài chính ít biến động hơn.
#4 Suy thoái kinh tế
Suy thoái là một đặc điểm quan trọng của thị trường gấu. Suy thoái có thể dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm thói quen tiêu dùng, và lạm phát.
Nguyên nhân của thị trường gấu
Hãy cùng tìm hiểu một số nguyên nhân gây ra thị trường gấu.
- Tăng trưởng kinh tế đình trệ
Tăng trưởng kinh tế chậm có thể gây ra thị trường gấu. Phần lớn mọi người sẽ giảm thói quen tiêu dùng của mình vì không còn đủ khả năng chi trả cho một số sản phẩm và dịch vụ.
Các doanh nghiệp có thể cũng thu hẹp quy mô, đóng cửa và các nhà sản xuất có thể sẽ tích trữ hàng hóa vì họ dự đoán giá sẽ tăng trong tương lai.
- Vỡ bong bóng thị trường
Bất kỳ khi nào bong bóng của một lĩnh vực kinh doanh cụ thể nào bị vỡ, nó có thể khiến cho toàn bộ thị trường sụt giảm. Bong bóng nhà đất năm 2008 và bong bóng dot-com là những ví dụ điển hình.
Các nhà đầu tư có thể rút lui hoàn toàn khỏi những khoản đầu tư và những lĩnh vực này để thay vì phải chịu những rủi ro lớn hơn. Bong bóng vỡ có thể xóa sổ giá trị của các công ty và phá hủy toàn bộ vốn của những cá nhân đã đầu tư vào đây.
- Suy thoái
Một cuộc suy thoái là nguyên nhân thường gặp gây ra thị trường gấu. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp, và lợi nhuận kinh doanh sụt giảm có thể gây ra áp lực lên thị trường chứng khoán và khiến nó đi xuống vì càng ngày càng có ít người chịu chấp nhận rủi ro và đầu tư.
- Khủng hoảng y tế cộng đồng
Dịch bệnh toàn cầu và các khủng hoảng y tế cộng đồng khác có thể khiến thị trường lao dốc không phanh. Lấy ví dụ về dịch bệnh COVID-19, các nhà đầu tư đã rút tiền ra khỏi phần lớn các ngành thuộc các nền kinh tế chính khi dịch bệnh bùng phát. Điều đó, cùng với các cuộc phong tỏa trên diện rộng, đã khiến nền kinh tế gần như sụp đổ hoàn toàn.
Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, và nhiều quỹ chỉ số nổi bật cũng chứng kiến một sự sụt giảm chưa từng thấy.
- Xung đột chính trị
Các cuộc xung đột có thể gây ra thị trường gấu. Bất ổn chính trị tại một khu vực có thể khiến cho các doanh nghiệp và thị trường sụp đổ. Một ví dụ điển hình chính là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina năm 2022 [3].
Ngoài ra, các giai đoạn trước bầu cử hay kết quả bầu cử bất lợi cũng có thể là nguyên nhân của thị trường gấu, đặc biệt khi các nhà đầu tư e dè sợ mất vốn do tâm lý lo sợ, nghi ngờ và không chắc chắn.
- Các xu hướng lãi suất
Thị trường gấu có thể xảy ra khi các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất. Khi trái phiếu và tín phiếu đưa ra mức lãi suất tiệm cận với lãi suất mà thị trường chứng khoán mang lại, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển sang các công cụ ít rủi ro này để gia tăng tài sản của họ. Điều này có thể giảm số vốn được phân bổ vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ tối ưu hóa danh mục đầu tư và giảm khẩu vị rủi ro của họ khi lãi suất đi vay tăng cao.
Các giai đoạn của thị trường gấu
Một vài sự kiện sẽ xảy ra trước khi toàn bộ thị trường rơi vào suy thoái. Dưới đây là các giai đoạn của thị trường gấu [4].
Giao đoạn 1: Bán chứng khoán
Ở những giai đoạn đầu của thị trường gấu, tâm lý của nhà đầu tư đối với những thay đổi của thị trường chuyển dần từ tìm kiếm rủi ro sang ngại rủi ro.
Một vài nhà đầu tư thu nhỏ các vị thế của mình, trong khi những người khác sẽ bán toàn bộ các vị thế. Cũng có người chọn đóng hết các vị thế đang sinh lời và chốt lãi, đồng thời giảm cổ phần của họ ở các công ty.
Giai đoạn 2: Từ bỏ
Ở giai đoạn này, các nhà đầu tư chứng kiến một sự sụt giảm đột ngột giá trị các cổ phiếu. Nhiều công ty và ngân hàng lớn cũng bắt đầu báo cáo thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận.
Giai đoạn này thường khiến các nhà đầu tư lo lắng với các vị thế bị ảnh hưởng cũng như thay đổi cách nhìn của họ về thị trường chứng khoán. Sau đó, họ có thể sẽ rút lui hoàn toàn khỏi thị trường. Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn sẽ bắt đầu sụt giảm, dự báo về một thời kỳ suy thoái kinh tế đang đến gần.
Giao đoạn 3: Đầu cơ
Ở giai đoạn này, các nhà đầu tư bắt đầu chấp nhận và hiểu được lý do đằng sau việc thị trường đi xuống. Mặc cho sự biến động vẫn đang diễn ra, nhiều nhà đầu tư sẽ bắt đầu vào lại thị trường và có lại được sự tự tin để mở các vị thế mới. Điều này có thể sẽ làm tăng giá và khối lượng giao dịch của một vài cổ phiếu.
Giai đoạn 4: Dự đoán
Trong giai đoạn cuối cùng này, nhiều cổ phiếu đạt mức hỗ trợ khi giá đã đang rất thấp. Từ đây, giá cổ phiếu có thể bắt đầu tăng lại, và các nền kinh tế có thể bắt đầu phục hồi khi nhà đầu tư dự đoán về thị trường bò đang tới.
Các thị trường gấu trong quá khứ
Thị trường gấu là hiện tượng tương đối phổ biến, và một vài thị trường gấu đã được ghi nhận trong thế kỷ vừa qua.
Hãy cùng nhìn lại những thị trường gấu quan trọng.
Thị trường gấu 2020
Năm 2020, thị trường gấu xảy ra do tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19. Xu hướng giảm giá bắt đầu từ tháng 3/2020 và đây là một trong những thị trường gấu ngắn nhất được ghi nhận [5].
Quỹ chỉ số S&P 5000 giảm hơn 30% nhưng đã dần hồi phục trong những quý sau đó. Do sự phát tán nhanh chóng của virus và các đợt phong tỏa trên diện rộng, nền kinh tế đã bị sụt giảm trên phạm vi toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh ở mức 14% và nhiều doanh nghiệp nhỏ trên thế giới đã phải đóng cửa vĩnh viễn.
Cuộc đại suy thoái
Cuộc đại suy thoái năm 1929 là một trong những thị trường gấu nổi tiếng nhất trong lịch sử. Đây cũng được biết đến là cú sốc kinh tế mang tính thảm họa khi đã loại bỏ hàng triệu nhà đầu tư. Phố Wall rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, và nhiều cổ phiếu rớt giá tới 80% [6].
Trong ba năm tiếp theo đó, ngành công nghiệp của Hoa Kỳ chìm nghỉm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức đáng ngại 24%. Điều này dẫn đến một sự giảm sút nghiêm trọng trong tiêu dùng. Hơn 4800 ngân hàng phải đóng cửa, và hàng triệu người dân mất đi khoản tiết kiệm của mình.
Bong bóng dotcom
Cuối thập niên 90, thế giới chứng kiến sự dịch chuyển sang thời đại internet. Xu hướng mới này đã thu hút hàng triệu nhà đầu tư đổ những khoản vốn khổng lồ vào các công ty và doanh nghiệp liên quan đến công nghệ [7].
Thật không may, nhiều nhà đầu tư trong số đó chưa đủ kinh nghiệm để kiểm định giá trị của các công ty này. Với NASDAQ, bong bóng dot-com đã đạt trên 5000 điểm trước khi vỡ ngay khi kết thúc năm.
Sau đó, vào đầu năm 2000, các nhà đầu tư đã mất những khoản tiền khổng lồ do định giá tài sản kém, khi phần lớn các doanh nghiệp internet “sắp nổi’ chỉ là trò lừa đảo. Nhiều dự án công ty internet không thực tế và không bền vững, dẫn đến việc phải đóng của và thua lỗ về tài chính.
Bong bóng nhà đất
Bong bóng nhà đất là kết quả của việc nhu cầu nhà đất tăng cao dẫn đến giá bất động sản tăng. Nhu cầu nhà đất tăng cao khiến phần lớn các nhà đầu tư bơm thêm tiền vào lĩnh vực bất động sản [8].
Nguyên nhân của bong bóng nhà đất tại Hoa Kỳ năm 2007 chủ yếu là do gia tăng số lượng đăng ký vay thế chấp của các khách hàng rủi ro cao, tiêu chuẩn cho vay lỏng lẻo và các quy định giám sát yếu kém. Trong những năm trước cuộc khủng hoảng, lãi suất liên tục tăng khi quyền sở hữu nhà đất đạt đến điểm bão hòa. Nhiều người không có thu nhập đủ hoặc ổn định bắt đầu cảm thấy khó trả được nợ và tuyên bố mất khả năng thanh toán khoản thế chấp. Số lượng người tuyên bố vỡ nợ thế chấp tăng dần dẫn đến sự sụt giảm giá trị của những loại chứng khoán dựa trên thế chấp và các sản phẩm phái sinh khác coi các khoản thế chấp dưới chuẩn làm hàng hóa cơ sở. Các sản phẩm tài chính dựa trên thế chấp mất giá trị gây ra sự hoảng sợ làm đóng băng hệ thống cho vay toàn cầu và cuối cùng làm vỡ bong bóng nhà đất, cuốn bay hàng nghìn tỷ đô la đầu tư vào thế chấp dưới chuẩn.
Những việc nhà đầu tư nên làm trong thời kỳ thị trường gấu
Khi một thị trường gấu xuất hiện, bạn có thể xem xét các hành động sau [9].
Đa dạng hóa tài sản nắm giữ
Đa dạng hóa là chiến lược quan trọng giúp bạn chuẩn bị và xử lý tốt hơn khi xuất hiện thị trường gấu. Thay vì chỉ đầu tư vào một loại tài sản duy nhất như bất động sản, hãy phân bố rủi ro và vốn của bạn trên toàn bộ thị trường và mua cả hàng hóa, trái phiếu, quỹ chỉ số, cổ phiếu, v.v.
Lợi nhuận có được từ loại tài sản này có thể bù đắp cho những thiệt hại xảy ra với loại tài sản khác khi thị trường gấu xảy ra. Ví dụ, một vị thế vàng có thể bù lại cho những thua lỗ với cổ phiếu do thị trường gấu gây ra. Bên cạnh đó, đầu tư vào ETF và các quỹ chỉ số cũng là một lựa chọn tốt, vì một công ty thua lỗ trong rổ tài sản không nhất thiết đồng nghĩa với việc toàn bộ chỉ số cũng bị xuống giá.
Điều chỉnh phân bổ tài sản
Khi mục tiêu đầu tư của bạn thay đổi, hãy điều chỉnh chiến lược phân bổ tài sản hiện tại để đồng nhất với mục tiêu tài chính. Trong một thị trường gấu, điều đó có thể đồng nghĩa với việc xem xét tái phân bổ vốn vào các tài sản ít rủi ro hơn.
Chỉ đầu tư vào những tài sản phù hợp với chiến lược đầu tư của bạn. Nếu bạn có một khẩu vị rủi ro, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu và có khả năng chịu được những thua lỗ có thể xảy ra do quyết định của bạn. Nếu bạn là người ngại rủi ro, hãy tập trung vào các tài sản ít rủi ro và mang lại lợi nhuận ổn định.
Đừng để cảm xúc chi phối
Trong thị trường gấu, tránh việc bán tháo tài sản do tâm lý sợ hãi. Nếu bạn có các khoản đầu tư dài hạn với tiềm năng lợi nhuận trong tương lai, bạn có thể cân nhắc giữ chúng thay vì bán. Một số tài sản nhất định sở hữu vị thế tài chính vững mạnh và mô hình kinh doanh có lợi nhuận có thể sẽ phục hồi khi thị trường phục hồi và lên giá.
Sử dụng Trung bình hóa chi phí đầu tư
Thay vì chờ đợi thị trường hồi phục trước khi mở mới các vị thế có lợi, bạn có thể sử dụng phương pháp trung bình hóa chi phí đầu tư để vào lại thị trường.
Trung bình hóa chi phí đầu tư là đều đặn đầu tư các khoản tiền cố định. Điều này có thể giảm chi phí đầu tư trong dài hạn và giúp bạn đa dạng hóa danh mục của mình.
Tham khảo
- Tretina, K. (2022) What is a bear market?, Forbes. Forbes Magazine. Available at: https://www.forbes.com/advisor/investing/bear-market/ (Accessed: January 5, 2023).
- Groww (no date) Bear market – definition, types & causes of Bear Market, Groww. Groww. Available at: https://groww.in/p/bear-market (Accessed: January 5, 2023).
- Russia-ukraine war: Insights and analysis (no date) Harvard Kennedy School. Available at: https://www.hks.harvard.edu/russia-ukraine-war-insights-analysis (Accessed: January 8, 2023).
- Chen, J. (2022) Bear Market Guide: Definition, phases, Examples & How to invest during one, Investopedia. Investopedia. Available at: https://www.investopedia.com/terms/b/bearmarket.asp (Accessed: January 5, 2023).
- Frazier, L. (2022) The coronavirus crash of 2020, and the investing lesson it taught us, Forbes. Forbes Magazine. Available at: https://www.forbes.com/sites/lizfrazierpeck/2021/02/11/the-coronavirus-crash-of-2020-and-the-investing-lesson-it-taught-us/ (Accessed: January 8, 2023).
- Richardson, G. (no date) Stock market crash of 1929, Federal Reserve History. Available at: https://www.federalreservehistory.org/essays/stock-market-crash-of-1929 (Accessed: January 8, 2023).
- Marotta, D.J. (2020) The dot com bubble: The bear market of 2001, Marotta On Money. Available at: https://www.marottaonmoney.com/the-dot-com-bubble-the-bear-market-of-2001/ (Accessed: January 8, 2023).
- Amadeo, K. (no date) When and why did the stock market crash in 2008?, The Balance. Available at: https://www.thebalancemoney.com/stock-market-crash-of-2008-3305535 (Accessed: January 8, 2023).
- About the author: Alana Benson is an investing writer who covers socially responsible and ESG investing (no date) What is a bear market? definition and how to invest during one, NerdWallet. Available at: https://www.nerdwallet.com/article/investing/how-to-invest-during-a-bear-market (Accessed: January 8, 2023).