Thị trường chứng khoán phục vụ đa dạng các phong cách đầu tư khác nhau. Cả những nhà giao dịch và những nhà đầu tư dài hạn đều có thể tiếp cận được nhiều loại cổ phiếu, dựa vào khung thời gian đầu tư hoặc khẩu vị rủi ro của họ.
Vậy, có những loại cổ phiếu nào? Và làm thế nào nhà đầu tư có thể phân biệt những loại này khi đầu tư hoặc giao dịch?
Điều quan trọng là cần xác định được tại sao có nhiều loại cổ phiếu tồn tại trên thị trường như vậy. Gần như mọi cổ phiếu đều có thể được phân định thành “vốn hóa nhỏ”, “vốn hóa trung bình”, hoặc “vốn hóa lớn”.
Nhìn chung, các cổ phiếu nhỏ có mức vốn hóa thị trường dưới 2 tỷ USD. Trong khi đó, các cổ phiếu trung bình có mức vốn hóa từ 2 tỷ USD đến 10 tỷ USD.
Các cổ phiếu lớn có mức vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD. Cuối cùng, có một loại nữa gọi là cổ phiếu có mức vốn hóa siêu lớn (mega cap); đây là những công ty có mức vốn hóa thị trường lên tới hàng trăm tỷ USD.
Những định nghĩa trên chia cổ phiếu thành nhiều loại theo quy mô. Ngoài ra, còn có các đặc điểm phân định khác. Dưới đây là năm trong số đó.
- Cổ phiếu tăng trưởng
Cổ phiếu tăng trưởng rất phổ biến đối với cả nhà giao dịch lẫn nhà đầu tư dài hạn. Các công ty trong nhóm này đang tăng trưởng doanh thu nhanh chóng từ năm này qua năm khác.
Những cổ phiếu này thường “đắt” nếu tính trên những tiêu chuẩn đo giá trị truyền thống, chẳng hạn như hệ số giá trên lợi nhuận (PE) và hệ số giá trên doanh thu (PS).
Nhiều cổ phiếu tăng trưởng nằm trong lĩnh vực công nghệ. Trong khi những cổ phiếu này thường có mức độ rủi ro cao hơn, lợi nhuận tiềm năng thu về cũng có thể tốt hơn.
Đó là vì những loại cổ phiếu này thường có xu hướng biến động lớn. Sau mỗi lần công bố thu nhập – hay những thông báo lớn – giá của cổ phiếu tăng trưởng thường có khả năng đi lên hoặc đi xuống rất đột ngột.
Cần phải nhớ rằng cổ phiếu tăng trưởng được định giá dựa trên tiềm năng trong tương lai của dòng tiền. Nếu hiểu theo cách đó, nhiều cổ phiếu tăng tưởng có thể đang là những công ty thua lỗ khi có ít hoặc không có lợi nhuận.
- Cổ phiếu giá trị
Cổ phiếu giá trị được hiểu theo nghĩa rộng là những công ty có lãi nhưng không được yêu thích. Những công ty này thường là những công ty đã hoạt động lâu năm, tạo ra lợi nhuận nhưng nằm trong những lĩnh vực không phổ biến với nhà đầu tư.
Điều này có thể do một vài nguyên nhân, bao gồm việc những công ty này bị đe dọa bởi thay đổi cơ cấu trong chính lĩnh vực của họ.
Kết quả là, các cổ phiếu giá trị thường được giao dịch ở mức giá “rẻ” phần lớn thời gian. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp cụ thể, cổ phiếu có thể được phân loại là giá trị khi thị trường đang định giá sai tiềm năng thực sự của doanh nghiệp trong dài hạn.
Một trong những người ủng hộ cổ phiếu giá trị lớn nhất chính là huyền thoại đầu tư Warren Buffett, người đã làm nên sự nghiệp của mình bằng cách đầu tư vào những doanh nghiệp đáng tin cậy, đã trưởng thành và đang tạo ra lợi nhuận.
- Cổ phiếu Penny
Cổ phiếu giá trị rất nhỏ (hay Penny stock) là những công ty được niêm yết có mức vốn hóa thị trường siêu nhỏ (thường dưới 100 triệu USD). Giá cổ phiếu của họ cũng rất thấp, phần lớn những cổ phiếu loại này được giao dịch với mức giá dưới 1 USD mỗi cổ phiếu.
Đặc điểm của những công ty này là có những mô hình kinh doanh mang tính đầu cơ – hoặc thậm chí không tồn tại. Trong khi giá cổ phiếu của những công ty có thể đột ngột tăng cao, đây cũng là những công cụ phổ biến để những kẻ bất chính thực hiện hành vi lừa đảo.
Đó là vì khối lượng giao dịch và số lượng cổ phiếu thả nổi trên thị trường đều cực kỳ thấp. Kết quả là, những cổ phiếu loại này rất dễ trở thành nạn nhân của những âm mưu thao túng thị trường.
- Cổ phiếu Blue Chip
Tương tự như cổ phiếu giá trị, cổ phiếu blue chip thường thuộc về những doanh nghiệp lớn, đã phát triển ổn định và có lãi. Họ có những mô hình kinh doanh đáng tin cậy và được xem là những người đi đầu trong ngành.
Thuật ngữ “blue chip” liên quan đến trò poker khi người chơi đặt cược các thẻ màu xanh, đỏ và trắng. Thẻ màu xanh là những thẻ có giá trị cao nhất.
Do vậy, nhiều công ty blue chip trong số này được coi là những cổ phiếu tương đối “an toàn” khi so sánh với các cổ phiếu khác trên thị trường.
Những cổ phiếu loại này thường được biết đến với kết quả kinh doanh tốt trong thời gian dài và tạo ra dòng tiền đảm bảo.
Đi kèm với những điều trên, cổ phiếu blue chip có khả năng trả tiền mặt cho các cổ đông dưới hình thức cổ tức. Cổ tức này thường có xu hướng tăng đều theo thời gian.
Nhiều cổ phiếu blue-chip được liệt kê trong danh mục “Dividen Aristocrats” (tạm dịch là Cổ phiếu quý tộc” – bao gồm các công ty đã tăng cổ tức trong 25 năm liên tiếp hoặc lâu hơn.
- Cổ phiếu IPO
Cuối cùng, chúng ta có cổ phiếu IPO. Đây là những cổ phiếu mới tiến hành chào bán công khai lần đầu (IPO) bằng cách niêm yết cổ phiếu trên thị trường.
Trước khi công ty thực hiện niêm yết, mọi người thường háo hức tìm hiểu câu chuyện phát triển của công ty đó. Điều này cho phép những nhà đầu tư tham gia cuộc chơi sớm khi thấy một cổ phiếu có khả năng thắng trong tương lai.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu IPO có thể biến động ngay sau khi được bán công khai. Đó là khi nhiều nhà đầu tư có thể có quan điểm khác nhau về triển vọng phát triển của công ty mới được niêm yết này.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của những công ty mới niêm yết này có thể chứng kiến sự biến động lớn khi thị trường chứng khoán tự điều chỉnh để hình thành những kỳ vọng hợp lý cho doanh nghiệp.
Giao dịch những loại cổ phiếu này như thế nào?
Có rất nhiều loại cổ phiếu khác nhau dành cho nhà đầu tư. Cách giao dịch từng loại cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào khẩu vị rủi ro của từng cá nhân.
Đối với những nhà đầu tư muốn giao dịch dựa trên các con sóng giá và độ biến động, cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu IPO là một lựa chọn phù hợp.
Trong khi đó, cổ phiếu penny cũng có thể có những con sóng giá, nhưng loại cổ phiếu này thường không được đề xuất cho nhà đầu tư do mức độ rủi ro cao.
Các nhà đầu tư với tầm nhìn trung đến dài hạn có cơ hội khi giao dịch các loại cổ phiếu blue chip vì những doanh nghiệp này thường mang lại lợi nhuận chắc chắn trong những khoảng thời gian dài hơn.
Đối với những nhà đầu tư tự tin vào tương lai tích cực của một cổ phiếu và tin rằng thị trường đang không đánh giá đúng giá trị của cổ phiếu này, vậy giao dịch cổ phiếu giá trị cũng có thể là một lựa chọn.