Cụm từ đáng sợ – “suy thoái” – thực chất là một phần bình thường, mặc dù không được dễ chịu, của một chu kỳ kinh tế, lên xuống giữa các giai đoạn mở rộng và thu nhỏ. Trong thời điểm hưng thịnh, nền kinh tế tăng trưởng và giá trị tài sản tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lãi suất tín dụng thấp dần dẫn đến tình trạng nợ tăng.
Nhưng khi mọi thứ vượt tầm kiểm soát, vỡ nợ sẽ xảy ra, khiến cho giá trị tài sản giảm xuống. Tiếp đó, điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp phá sản, sản xuất chậm hoặc âm và tỷ lệ thất nghiệp cao. Sự đi xuống ngắn hạn của hoạt động kinh tế nói chung được coi là suy thoái.
Suy thoái là gì?
Một công thức đơn giản thường được nhắc đến trong kinh tế học là một giai đoạn suy thoái được đánh dấu bằng hai quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế âm, điều này thể hiện ở tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Định nghĩa này có thể giúp các nhà phân tích, nhà báo và đa số quần chúng có thể phân loại thuận tiện và dễ dàng. Tuy nhiên, những nhà kinh tế học có cái nhìn hơi khác hơn về các chu kỳ kinh tế.
Tại Hoa Kỳ, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) được coi là cơ quan xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của các giai đoạn suy thoái tại quốc gia này. Việc này đôi khi xảy ra tầm một năm hoặc hơn sau khi suy thoái xảy ra. NBER có định nghĩa riêng về những gì cấu thành nên một cuộc suy thoái, cụ thể như sau:
“một đợt suy giảm mạnh mẽ các hoạt động kinh tế trên khắp nền kinh tế, kéo dài nhiều hơn vài tháng, thường nhận thấy ở GDP thực, thu nhập thực, việc làm, sản xuất công nghiệp, và doanh thu bán buôn-bán lẻ.”
Về cơ bản, người ta sẽ nhìn vào ba tiêu chí – chiều sâu, độ lan tỏa, và cả khoảng thời gian diễn ra. Một giai đoạn được coi là suy thoái sẽ thỏa mãn ba tiêu chí này ở một mức độ nào đó –– mặc dù trong vài trường hợp, một tiêu chí có thể đạt mức cực hạn bù lại những chỉ báo yếu hơn ở tiêu chí khác.
NBER sẽ công bố chính thức một cuộc suy thoái, nhưng không nhất thiết dựa vào hai quý liên tiếp tăng trưởng âm sử dụng dữ liệu GDP để định nghĩa. Điều này một phần là bởi GDP là thước đo rất rộng có thể bị ảnh hưởng bởi một vài yếu tố lớn hơn như thương mại quốc tế hay chi tiêu của chính phủ. Thay vào đó, Cục này sẽ nghiên cứu nhiều chỉ số có tần suất cao hơn như sự gia tăng trong tỷ lệ thất nghiệp, doanh số bán lẻ và các thước đo khác về sản xuất, dịch vụ, và thu nhập. Dữ liệu này sẽ được công bố hàng tháng chứ không phải hàng quý như GDP.
Từ năm 1950, Hoa Kỳ chưa từng trải qua hai quý liên tiếp giảm GDP nào mà cuối cùng không liên quan đến một cuộc suy thoái.
Điều gì gây ra một cuộc suy thoái?
Một nền kinh tế có thể rơi vào một cuộc suy thoái do nhiều nguyên nhân, từ những thảm họa bất ngờ như chiến tranh tới sự sụp đổ do lạm phát không được kiểm soát, hoặc sự kết hợp của một vài yếu tố. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:
- Một cú shock kinh tế đột ngột – loại sự kiện này có thể tạo ra những thiệt hại về tài chính nghiêm trọng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ví dụ, cú shock về giá năng lượng trong vòng 18 tháng qua được so sánh với cú shock giá dầu những năm 1970. Khi đó, OPEC đã cắt giảm lượng dầu cung cấp cho Hoa Kỳ mà không hề cảnh báo trước, gây nên một cuộc suy thoái .
- Lạm phát tăng cao – xu hướng đi lên đều đặn của giá cả qua thời gian không phải là một điều xấu, mọi thứ đã được tính đến. Tuy nhiên, lạm phát quá độ thường có nghĩa rằng các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất một cách nhanh chóng, điều này có thể làm suy giảm các hoạt động kinh tế. Áp lực giá cả không được kiểm soát là một vấn đề trong những năm 1970, khi đó Fed đã tăng lãi suất một cách nhanh chóng, và rồi dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế. Nghe có vẻ quen chứ?
- Nợ dư thừa – nếu lãi suất vay quá cao, doanh nghiệp và cá nhân có thể phải vật lộn để trả nợ. Điều này dẫn đến vỡ nợ và phá sản, có thể gây ra đảo lộn cho cả nền kinh tế. Bong bóng nhà đất dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 2008 là ví dụ điển hình của nợ dư thừa dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế.
- Bong bóng tài sản – Tình huống này cũng liên quan chặt chẽ đến nợ dư thừa. Cũng bị chi phối bởi cảm xúc, các nhà đầu tư có thể đẩy giá của các tài sản đầy rủi ro lên cao, từ đó thổi phồng thị trường chứng khoán và giá nhà đất vượt qua giá trị hợp lý của những tài sản này. Khi bong bóng vỡ, một cuộc suy thoái và những điều tồi tệ hơn sẽ theo sau.
Chỉ báo của suy thoái
Dưới đây là một vài chỉ báo có thể cung cấp cái nhìn rõ hơn về khả năng của một cuộc suy thoái.
- Tỷ lệ thất nghiệp tăng: Mất việc làm là một dấu hiệu cảnh báo lớn của một cuộc suy thoái sắp xảy ra, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và công ty, cũng như nền kinh tế đang không tăng trưởng. Điều gây tranh cãi trong giới các nhà kinh tế học tại thời điểm hiện tại là năm 2022 lại đang chứng kiến sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, với hàng trăm ngàn việc làm mới ra đời tại Hoa Kỳ hàng tháng, cũng như tăng lương.
- Các khảo sát về niềm tin người tiêu dùng: Một chỉ báo để đọc xu hướng tiêu dùng. Nếu một trong những động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ không được đảm bảo, tiêu dùng chậm hơn sẽ làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế sau đó. Ví dụ, tiêu dùng cá nhân trong tháng Năm năm nay cho thấy tiêu dùng và thu nhập khả dụng đang giảm, điều này làm dấy lên suy đoán về một sự suy sụp hay suy thoái có thể đang đến gần.
- Bán tháo chứng khoán đột ngột: Chín trên 12 thị trường gấu (hay thị trường giá xuống), hay những lần giảm điểm nhiều hơn 20% ghi nhận xảy ra từ năm 1948 đều đi kèm với các thời kỳ suy thoái. Những nhà đầu tư lo lắng sẽ bán các cổ phiếu mình đang nắm giữ khi thấy trước sự chậm dần của hoạt động kinh tế.
- Các chỉ báo đi đầu: Có nhiều dữ liệu được công bố hàng tháng có thể cho chúng ta biết nền kinh tế (Hoa Kỳ) có đang đi chậm lại hay không. Trong đó bao gồm Chỉ số Kinh tế Hàng đầu của The Conference Board và Chỉ số Quản lý Sức mua của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM). Ngoài ra cũng có các chỉ báo trễ và đường cong lợi suất của Kho bạc Hoa Kỳ có thể đưa ra những cảnh báo sớm về một cuộc suy thoái kinh tế.
Các cuộc suy thoái trong quá khứ
Theo dữ liệu của NBER, đã có 34 cuộc suy thoái xảy ra ở Hoa Kỳ từ năm 1854. Từ năm 1945 đến năm 2009, một cuộc suy thoái trung bình kéo dài trong vòng 11 tháng. Suy thoái kinh tế trong những giai đoạn trước đó có xu hướng diễn ra trong vòng hơn 20 tháng.
Hai ví dụ gần đây là:
- Cuộc Đại Suy thoái diễn ra từ tháng Mười hai 2007 đến tháng Sáu 2009. Cuộc suy thoái kinh tế này dài gần như gấp đôi những cuộc suy thoái tại Hoa Kỳ gần đây. Nguyên nhân một phần là do bong bóng trên thị trường bất động sản và tình trạng vỡ nợ trong thế chấp dưới chuẩn.
- Cuộc suy thoái Dot Com diễn ra từ tháng Ba 2001 đến tháng Mười một 2001. Hậu quả của sự sụp đổ thị trường chứng khoán bong bóng công nghệ, cùng với cuộc tấn công khủng bố 11/9 và những bê bối kế toán cộng lại đã đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào khủng hoảng.
Tác động của một cuộc suy thoái lên bạn
Tác động thực sự của suy thoái kinh tế đến dưới hình thức của mất việc làm, giảm lương, và đóng cửa kinh doanh. Việc tìm công việc mới trở nên khó khăn hơn trong khi những người vẫn đang làm việc có thể bị cắt giảm lương. Cùng với việc nhiều người phải vật lộn để chi trả hóa đơn, những bên cho vay sẽ thắt chặt tiêu chuẩn cho thế chấp và các khoản vay khác.
Các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản và các tài sản khác có thể mất giá trị. Điều thú vị là, chỉ số chuẩn S&P 500 đã giảm 23,6% so với kỷ lục cao nhất lập ra vào tháng Một năm nay, tương đương với mức giảm trung bình 24% của chỉ số này trong các kỳ suy thoái trước đó. Điều này có thể chỉ ra rằng giá cổ phiếu đang phản ánh một phần nào đó tình hình khó khăn hiện nay.